Tuần 12-16/6 sẽ là một tuần căng thẳng của các ngân hàng trung ương với các cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ). Ngoài ra còn hàng loạt thông tin quan trọng khác cũng sẽ được công bố ở Trung Quốc và Thuỵ Sĩ.
Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới sắp diễn ra đáng chú ý nhất:
1/ Hai sự kiện đáng quan tâm đặc biệt ở Mỹ
Thị trường sắp đón nhận không chỉ một mà hai sự kiện quan trọng ở nền kinh tế số 1 thế giới, với dữ liệu lạm phát tháng 5 của Mỹ được công bố vào thứ Ba (13/6), khi Fed bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày.
Các dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 5, điều mà thị trường đang nóng lòng chờ đợi, sau khi dữ liệu việc làm khả quan củng cố khả năng các đợt tăng lãi suất sẽ làm giảm bớt áp lực giá cả mà không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Khảo sát sơ bộ cho thấy thị trường ước tính giá tiêu dùng toàn phần trong tháng Năm tăng 0,3% (so với tháng liền trước), sau khi tăng 0,4% trong tháng Tư.
Fed được cho là sẽ giữ nguyên chi phí đi vay khi kết thúc kỳ họp vào thứ Tư tới (14/6) và các nhà đầu tư sẽ cố gắng đánh giá mức độ nhiệt huyết của các quan chức Fed đối với các đợt tăng lãi suất sắp tới. Hiện tại, thị trường nhận định Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, một triển vọng mà các nhà đầu tư có vẻ hài lòng, dựa trên diễn biến mạnh mẽ gần đây của chứng khoán Mỹ.
Dự kiến Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất.
2/ ECB có thể vẫn chưa dừng tăng lãi suất
Vào thứ Năm (15/6), có thể ECB sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa, và các nhà giao dịch muốn có manh mối từ ngân hàng trung ương của khu vực đồng euro về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các nhà giao dịch ngày càng tin rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong lịch sử ở khu vực này sắp kết thúc.
Lạm phát khu vực đồng Euro đã giảm nhanh hơn dự kiến trong tháng Năm, và lạm phát cơ bản – loại bỏ biến động giá cả – chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp. Nền kinh tế của khối đã rơi vào suy thoái và hoạt động cho vay của ngân hàng đang chậm lại nhanh chóng.
Những người tham gia thị trường cho rằng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản một lần nữa, sau đó sẽ kết thúc hoàn toàn chu kỳ thắt chặt này.
Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ không dễ dàng như vậy. Những người hoạch định chính sách tiền tệ của ECB sẽ phải cẩn thận để ngỏ các khả năng hành động, vì lạm phát cơ bản hiện vẫn cao, chỉ dưới mức kỷ lục. Vì vậy một số người ủng hộ chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn đang cân nhắc việc tăng lãi suất sau mùa hè.
Lạm phát của Eurozone giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine
3/ BOJ dậm chân tại chỗ
Thống đốc BOJ mới được bổ nhiệm gần đây, Kazuo Ueda, cho biết tư duy tập thể của Nhật Bản đang dần thay đổi khỏi niềm tin đã kéo dài hàng thập kỷ rằng giá tiêu dùng và tiền lương sẽ duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản đang giảm mạnh, thậm chí vượt quá dự báo của các nhà kinh tế bi quan nhất. Điều đó hợp lý khi xem xét các dữ liệu khác cho thấy tiền lương thực tế giảm 13 tháng liên tiếp, ngay cả khi các liên đoàn lao động thương lượng mức tăng lương lớn nhất trong ba thập kỷ tại các cuộc đàm phán về lương hồi mùa xuân.
Tất cả đều củng cố quan điểm của thị trường rằng còn quá sớm để BOJ điều chỉnh gói kích thích tại cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ Sáu (16/6). Ông Ueda đã báo hiệu chính sách cực kỳ nới lỏng của Nhật sẽ được duy trì cho đến khi tăng lương và lạm phát ổn định và bền vững. Nhưng BOJ có xu hướng tạo ra những bất ngờ về chính sách, có nghĩa là có thể có những quyết định ảnh hưởng tới thị trường.
Lạm phát và chỉ số tiền lương ở Nhật Bản diễn biến trái chiều.
4/ Một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng về Trung Quốc
Hy vọng rằng Trung Quốc có thể sớm tung ra các biện pháp kích thích hơn nữa đang tăng cao trong bối cảnh thị trường ngày càng mất niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau giai đoạn dịch COVID-19.
Cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản đã tăng giá nhờ đồn đoán về gói hỗ trợ bất động sản mới. Xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc bị sụt giảm nghiêm trọng nhưng hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể nào cho thị trường, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng dữ liệu yếu kém sẽ củng cố khả năng Chính phủ thực hiện các gói kích thích kinh tế.
Dữ liệu giá nhà mới trong tháng Năm của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Năm (15/6), sau khi một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy giá nhà mới trong tháng Năm giảm lần đầu tiên sau 4 tháng và doanh số bán nhà sụt giảm.
Các dữ liệu khác về nền kinh tế này cũng sẽ được công bố vào thứ Năm, có thể làm sáng tỏ tình trạng thất nghiệp gia tăng và tâm lý thận trọng của người tiêu dùng, vốn cũng đã gây tổn hại cho nền kinh tế.
Do thị trường gia tăng kỳ vọng về các biện pháp kích thích mới, tâm lý bi quan về triển vọng kinh té Trung Quốc đang dịu dần lại.
Thị trường bất động sản Trung Quốc hồi phục chậm
5/ Một siêu ngân hàng ra đời
Việc gấp rút hoàn tất thỏa thuận giữa các ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ có thể sớm kết thúc, với UBS dự kiến sẽ hoàn tất việc mua lại đối thủ Credit Suisse sớm nhất là vào ngày 12 tháng Sáu.
Cùng với đó là câu hỏi về siêu ngân hàng mới được thành lập, với bảng cân đối kế toán 1,6 nghìn tỷ đô la và giám sát tài sản trị giá 5 nghìn tỷ đô la, sẽ trông như thế nào.
Nhiều người Thụy Sĩ lo ngại ngân hàng kết hợp sẽ quá lớn và trở thành rủi ro đối với quốc gia nhỏ bé, mặc dù giàu có. Họ lo lắng rằng nó sẽ khó điều chỉnh, và khi ngân hàng mới này gặp rắc rối, điều đó có thể sẽ tác động đến cả nước. Các nhà quản lý Thụy Sĩ đã thất bại trong việc ngăn chặn ‘thảm họa’ tại ngân hàng Credit Suisse.
Và điều gì sẽ xảy ra với hoạt động kinh doanh trong nước của Credit Suisse, cùng với hàng nghìn nhân viên mà họ sử dụng? UBS đã cho biết sắp có đợt thanh lọc đối với lực lượng lao động 120.000 người của ngân hàng hợp nhất.
Sự kết hợp của UBS và Credit Suisse – tổng tài sản
Tham khảo: Refinitiv